Cách viết Bài báo khoa học Quốc tế

Cách viết bài báo khoa học quốc tế là chủ đề được nhiều bạn quan tâm. Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm viết và công bố bài báo trên tạp chí quốc tế.


Tổng hợp Tài liệu: Hướng dẫn nghiên cứu khoa học và viết bài báo khoa học


Mong là những nội dung này sẽ hữu ích với các bạn. Chúc các bạn có thật nhiều sức khỏe và niềm vui trên chặng đường phía trước. 


1. Cách lựa chọn tạp chí phù hợp


 


Trước khi bắt đầu viết bài báo, bạn cần lựa chọn các tạp chí phù hợp với chủ đề nghiên cứu và kiểm tra sự uy tín của tạp chí. Để chọn được những tạp chí phù hợp và uy tín, bạn cần chú ý đến 3 tiêu chí sau:

 

Thứ 1: Phạm vi và mục tiêu của tạp chí

-        Bạn cần đảm bảo rằng bài báo của mình phù hợp với phạm vi và mục tiêu của tạp chí. Bạn có thể dùng cú pháp sau để tìm trên google những tạp chí phù hợp với chủ đề nghiên cứu của bạn, cú pháp là “chủ đề + journal ranking”. Anh ví dụ khi tìm “Otorhinolaryngology journal ranking” anh sẽ tìm được tên những tạp chí trong lĩnh vực tai mũi họng.

 

Thứ 2: Chất lượng và uy tín của tạp chí

-        Các bạn cần lựa chọn những tạp chí có chất lượng và uy tín cao, được giới khoa học quốc tế công nhận. Có nhiều thông số để đánh giá tạp chí, trong đó hai thông số thường dùng là chỉ số ảnh hưởng IF (impact factor) và xếp hạng Q (quartile).

-        Có hai cách để bạn có thể kiểm tra các chỉ số trên và đánh giá nhanh sự uy tín của các tạp chí mà bạn quan tâm

-        Cách thứ 1 là thông qua các website cơ sở dữ liệu lớn, chẳng hạn

+      Scopus

+      Web of Science

+      Scimago

+      Khi bạn tìm được tên của một tạp chí, bạn truy cập vào các website kể trên và kiểm tra xem tạp chí của bạn có được công bố trên những website này hay chưa. Nếu tạp chí đó nằm trong danh sách công bố của những website này thì đó là tạp chí uy tín.

-        Cách thứ 2 là thông qua các tổ chức chính quy

+      Bạn có thể tham khảo thông tin về các tạp chí uy tín trong lĩnh vực bạn nghiên cứu tại phòng nghiên cứu khoa học của các trường đại học, chuyên mục nghiên cứu khoa học trên website của các hiệp hội và tổ chức chính quy tại nước ta. Bên cạnh đó bạn có thể xin ý kiến của các thầy cô hướng dẫn trong quá trình tìm và chọn tạp chí.

 

Thứ 3: Độ khó và thời gian xuất bản của tạp chí

-        Các bạn cần cân nhắc độ khó và thời gian xuất bản của tạp chí để phù hợp với mục tiêu và khả năng của mình. Một số tạp chí có độ khó cao, thời gian kiểm duyệt của các tạp chí này lâu và mức độ từ chối bài cao. Một số tạp chí có độ khó thấp hơn, thời gian bình duyệt sẽ ngắn hơn và mức độ chấp nhận cao hơn. Các bạn có thể tham khảo tỷ lệ chấp nhận (acceptance rate) và thời gian xét duyệt (review time) của các tạp chí trên trang web của tạp chí hoặc trên các trang web đánh giá tạp chí trên google thông qua các thuật ngữ anh vừa nêu.


2. Cách viết bài báo quốc tế



Thứ 1: Bài báo khoa học theo cấu trúc IMRAD


Đa phần các tạp chí quốc tế hiện tại đều chấp thuận cấu trúc bài báo kiểu IMRAD. Bạn có thể viết bài báo theo cấu trúc này trước. Sau đó sau khi chọn được tạp chí thì bạn chỉnh sửa thêm theo yêu cầu riêng của tạp chí, những yêu cầu này được nêu rõ trong mục hướng dẫn dành cho tác giả đăng bài trên website của tạp chí.

 

Link một bài báo mẫu theo cấu trúc IMRaD nằm trong phần mô tả của video. Bây giờ, anh sẽ phân tích nội dung từng phần của bài báo theo cấu trúc IMRaD.

-        I là Introduction: Là phần giới thiệu về chủ đề nghiên cứu, đặt vấn đề và nêu mục tiêu của nghiên cứu.

-        M là Method: Là phần mô tả về phương pháp nghiên cứu, bao gồm thiết kế nghiên cứu, tiêu chí lựa chọn đối tượng nghiên cứu, phương pháp thu thập và phân tích số liệu.

-        R là Result: Là phần trình bày về kết quả nghiên cứu, dưới dạng các biểu đồ, bảng số liệu và hình ảnh.

-        D là Discussion: Là phần bàn luận về ý nghĩa, đóng góp và hạn chế của nghiên cứu, thực hiện so sánh và đối chiếu với các nghiên cứu trước đó. Tứ đó đưa ra các kiến nghị, hướng nghiên cứu tiếp theo, và kết luận chung của nghiên cứu.

 

Như vậy sau khi hoàn thành nghiên cứu và có đầy đủ kết quả, bạn thực hiện viết bài báo để truyền tải những nội dung của nghiên cứu thành các phần nội dung chính theo cấu trúc IMRaD kể trên để người đọc có thể hiểu và nắm được kết quả nghiên cứu của các bạn.


Thứ 2: 3 bước viết bài báo khoa học 


Để có thể viết được một bài báo tốt, có 3 bước mà các bạn nên làm

-        Bước 1: Trau dồi kỹ năng nghiên cứu khoa học.

+      Một bài tốt cần có nội dung tốt. Nội dung xuất phát từ nghiên cứu của bạn. Do đó bạn cần trau dồi kỹ năng nghiên cứu.

+      Đây hiện là chủ đề được hướng dẫn tại nhiều trường đại học. Các bạn cũng có thể tham khảo thêm bản giáo trình hướng dẫn nghiên cứu khoa học dành cho khối ngành y dược mà anh tổng hợp tại đường dẫn trong phần mô tả của video.

-        Bước 2: Trau dồi kỹ năng viết bài báo

+      Để có bài báo tốt thì bạn cần dành thời gian trau dồi kỹ năng viết bài báo bằng cách tham khảo nhiều bài báo trên các tạp chí có xếp hạng cao

+      Trong quá trình viết bài báo, bạn cần xin hướng dẫn và phản hồi của thầy cô, anh chị có kinh nghiệm để có thể viết tốt hơn.

-        Bước 3: Mạnh dạn nộp bài báo khi đã hoàn thành.

+      Khi nộp bài báo cho các tạp chí, nếu bài báo của bạn chưa đủ tốt thì tạp chí sẽ phản biện và nêu ra những điểm bạn cần cải thiện, từ đó bạn sẽ có những gợi ý để cải thiện cách viết bài báo và viết tốt hơn.

 

3. Các kiểm tra độ trùng lặp

 


Trước khi gửi bài cho tạp chí, bạn cần thực hiện kiểm tra độ trùng lặp. Độ trùng lặp là tỷ lệ phần trăm văn bản trong bài báo của bạn trùng khớp với văn bản trong các nguồn khác, như internet, các bài báo đã xuất bản, hoặc các bài báo đã nộp trước đó.

 

Ngay cả khi nghiên cứu của bạn hoàn toàn mới, bài báo của bạn vẫn có thể chứa các nội dung trùng lặp với các tài liệu trước đây, chẳng hạn như các nội dung trong phần phương pháp nghiên cứu.

 

Các tạp chí sử dụng độ trùng lặp để đánh giá ban đầu bài báo của bạn vì độ trùng lặp cao có thể là dấu hiệu của việc đạo văn, tức là sao chép hoặc sửa đổi văn bản của người khác mà không ghi nguồn hoặc dẫn chứng. Nếu bài báo của bạn có mức độ trùng lặp cao, có khả năng bài báo sẽ bị các tạp chí từ chối. Do đó bạn cần kiểm tra độ trùng lặp trước khi nộp bài báo. Mức độ trùng lặp được chấp nhận, thay đổi tùy theo tạp chí. Phần lớn các tạp chí quốc tế chấp thuận độ trùng lặp ở mức dưới 30%.

 

Vậy làm thế nào để kiểm tra mức độ trùng lặp?

-        Hiện nay có nhiều phần mềm và website có thể làm được việc này, bạn có thể dùng từ khóa Plagiarism checker để tìm kiếm các phần mềm này, có phần mềm miễn phí và phần mềm trả phí.

-        Sau khi trải nghiệm thì anh thấy các phần mềm miễn phí không kiểm tra tốt bằng các phần mềm trả phí. Trong các phần mềm trả phí thì phần mềm được nhiều người sử dụng là Turnitin. Bạn có thể truy cập website chính thức của Turnitin và đăng ký sử dụng tại đường dẫn trong phần mô tả của video.


4. Quy trình gửi bài báo

 


Để việc gửi bài báo được thuận lợi, cần thực hiện 3 bước sau

-        Bước 1: Đọc lại bản thảo một lần nữa để kiểm tra nội dung và lỗi chính tả.

-        Bước 2: Đảm bảo đã bảo mật các thông tin cá nhân liên quan tới người bệnh trong các hình ảnh và dữ liệu trong bài báo.

-        Bước 3: Chuẩn bị đủ các mẫu đơn mà tạp chí yêu cầu trong phần hướng dẫn dành cho tác giả đăng bài. Chẳng hạn như Đơn xin gửi bài, đơn đồng thuận công bố bài báo, mã nghiên cứu ORCID … Đa phần các tạp chí đều công bố các mẫu đơn này trong phần hướng dẫn dành cho tác giả đăng bài, bạn chỉ cần tải về, điền đầy đủ thông tin và hoàn thành các chữ kí là được.

 

Sau khi hoàn thành các nội dung trên, bạn truy cập vào phần gửi bài trên website của tạp chí, thực hiện theo form gửi bài có sẵn, đính kèm đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu và bấm gửi.


Sau khi bạn bấm gửi, tạp chí sẽ gửi mail xác nhận bạn đã hoàn thành tới email của bạn. Và hẹn bạn thời gian tạp chí sẽ phản hồi và bắt đầu bình duyệt bài báo của bạn. Bạn chú ý vì đây là thư trả lời tự động nên đôi khi thư này nằm trong mục thư rác, nếu bạn không nhận được email thì bạn nên kiểm tra trong thư mục thư rác xem có email hay không.


5. Quy trình bình duyệt bài báo

 


Sau khi gửi bài báo, bạn cần chờ đợi phản hồi của tạp chí qua email bạn đã cung cấp. Thường thì tạp chí sẽ hẹn bạn thời gian phản hồi trong email xác nhận hoàn thành gửi bài báo. Thời gian phản hồi tùy theo tạp chí, thường dao động từ vài tuần tới vài tháng.

 

Có ba trường hợp có thể xảy ra:

-        Trường hợp 1: Bài báo của bạn được chấp nhận ngay

+      Điều này rất hiếm gặp, chỉ xảy ra khi bài báo của bạn có chất lượng rất cao, không có lỗi nào cần sửa, và phù hợp hoàn toàn với yêu cầu của tạp chí.

+      Nếu bạn mới viết bài báo đầu tiên mà được duyệt ngay lập tức, bạn cần cẩn trọng và kiểm tra lại xem bạn có gửi đúng tạp chí uy tín hay không.

-        Trường hợp 2: Bài báo của bạn bị từ chối ngay

+      Trong email phản hồi, tạp chí sẽ nêu rõ lý do vì sao bài báo của bạn bị từ chối.

+      Có thể là do nội dung bài báo của bạn chưa tốt, trong trường hợp này bạn cần phải chỉnh sửa lại bài báo. Cũng có thể là do bài báo của bạn chưa phù hợp với phạm vi chủ đề của tạp chí, trong trường hợp này bạn có thể chuyển sang nộp ở một tạp chí khác phù hợp hơn.

-        Trường hợp 3: Bài báo của bạn có thể được chấp thuận sau khi sửa đổi theo góp ý của tạp chí

+      Giai đoạn trả lời những góp ý của tạp chí có thể kéo dài từ vài tháng tới vài năm, tùy thuộc vào mức độ uy tín của tạp chí và năng lực nghiên cứu của bạn.

+      Nếu bạn có thể chỉnh sửa theo những góp ý và đạt được các yêu cầu từ tạp chí thì tạp chí chấp thuận công bố bài báo của bạn.

 

Như vậy bạn đã hoàn thành quy trình công bố bài báo trên tạp chí quốc tế. Mong là những nội dung này sẽ hữu ích với các bạn. Xin cảm ơn các bạn vì đã dành nhiều thời gian cho những video của anh. Chúc các bạn có thật nhiều sức khỏe và niềm vui trên chặng đường phía trước.


Trân trọng,

Bs Nguyễn Đức Vượng

Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Y Dược TPHCM.

Bs Nguyễn Đức Vượng 


Share on Google Plus

About Bác sĩ Vượng

Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng. Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Y Dược TpHCM.

0 nhận xét: