Cách học giỏi phần 5. Cách học bài nhanh và nhớ bài lâu. Chia sẻ bởi Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng. Bảng vàng thủ khoa tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM.
Chúng ta cũng đã đi được một chặng đường khá dài về quá trình học rồi. Bây giờ bạn đã hiểu được cách chuẩn bị tài liệu học tập, lên kế hoạch học, đọc và ghi chép tài liệu để biến kiến thức của sách vở thành những ngôn ngữ mà bạn có thể hiểu và ghi nhớ được.
Trong video này chúng ta sẽ nói về cách ghi nhớ và ôn tập hiệu quả để chuẩn bị cho những kì thi. Thành thực mà nói thi cử chiếm một lượng lớn thời gian trong quá trình học tập của chúng ta. Bởi vậy nếu chúng ta có thể học một cách hiệu quả hơn thì chúng ta sẽ tiết kiệm được một lượng lớn thời gian và đạt được những kết quả tốt hơn.
Video này sẽ bao gồm hai phần.
- Trong phần đầu tiên, anh sẽ chỉ ra những phương pháp học tập mà các bạn nên tránh dựa trên các bằng chứng khoa học, đáng ngạc nhiên đây là những phương pháp học mà đa số chúng ta đều áp dụng nhưng thực tế là không có hiệu quả.
- Trong phần thứ hai của video, anh sẽ nói về những kỹ thuật học tập hiệu quả đã được khoa học chứng minh. Anh tin là những kỹ năng này có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực học tập dù đó là ôn thi cấp 2 cấp 3 thi tuyển sinh đại học hay những kì thi để chuẩn bị cho việc du học.
Phần 1. Những phương pháp học ít hiệu quả
Phương pháp đầu tiên chính là đọc đi đọc lại tài liệu học.
Tức là cầm tài liệu học và đọc đi đọc lại cho đến khi mà mình cảm thấy nhớ những nội dung mình đã đọc. Đây là cách mà ngày xưa hồi anh còn học cấp 2 cấp 3 anh rất hay dùng. Nếu bạn hỏi những người bạn của mình thì bạn sẽ phát hiện ra đây là một kỹ thuật khá phổ biến và được rất nhiều người yêu thích. Câu hỏi đặt ra là sự thật thì nó có hiệu quả hay không
Theo một nghiên cứu tổng hợp của Mỹ được công bố vào năm 2013 khi ông nghiên cứu hàng trăm công trình khác nhau về những phương pháp học hiện tại thì kết luận là đọc đi đọc lại bài là một kỹ thuật có hiệu quả thấp khi so sánh với những phương pháp khác mà anh sẽ liệt kê trong phần sau của video này.
Bản thân anh thấy phương pháp này cũng có hiệu quả nhưng không cao vì nó là khá tốn thời gian và dễ gây buồn ngủ. Một nhược điểm khác là phương pháp này không phải là cách hay để ôn thi trắc nghiệm, vốn là hình thức thi tuyển chính yếu hiện nay. Bởi vì bạn muốn thi trắc nghiệm tốt thì khi học và ôn thi bạn cần phải rèn luyện khả năng đánh trắc nghiệm của mình thay vì đọc bài chay đơn thuần.
Thứ hai đó là highlight những nội dung quan trọng.
Hẳn là ai trong cuộc đời chúng ta cũng đã từng cầm bút highlight và tô lên những trang sách của mình. Vậy điều này thực sự có hiệu quả. Sự thật là cuộc sống thì không có màu hồng bởi vậy việc tô hồng những trang sách cũng không giúp bảng điểm của bạn đẹp lên là mấy. Trước đây anh có cả một tá bút highlight và sau khi biết được điều này thì anh cảm thấy khá là buồn vi đã tốn một lượng tiền không nhỏ để mua bút.
Cũng theo nghiên cứu mà chúng ta vừa đề cập, thì highlight có thể giúp tăng hiệu suất một chút vì nó khiến chúng ta có cảm giác thích thú và tập trung hơn lúc đọc bài nhưng tổng thể đây cũng là một kỹ thuật ôn thi kém hiệu quả.
Bạn thử nghĩ xem sau khi đọc và highlight một trang sách bạn có nhớ mình đã highlight gì không. Khả năng cao bạn chỉ nhớ là ồ mình vừa highlight điều gì đó quan trọng nhưng điều đó là gì thì không nhớ. Bởi vậy phương pháp này không thực sự hiệu quả như chúng ta vẫn tưởng.
Cuối cùng là ghi chép và tóm tắt nội dung học.
Đây là một kỹ năng rất là khó để đánh giá bởi vì hiệu quả của phương pháp này lại dựa vào hiệu quả của việc và bạn ghi chép tốt hay là không. Thực tế cho thấy rằng không phải tất cả chúng ta nhất là những bạn học sinh cấp 2 cấp 3 và ngay cả nhiều sinh viên có khả năng ghi chép hiệu quả những điều mà mình học.
Và hiển nhiên nếu bạn không biết cách ghi chép hiệu quả thì việc học những ghi chép của mình là ít hiệu quả. Bởi vậy theo những bằng chứng khoa học mới nhất thì đây là một kỹ năng kém hiệu quả nếu chúng ta không biết cách ghi chép.
Trong video trước anh cũng chia sẻ những cách ghi chép mà anh đã dùng để tạo nên những những bản ghi chép hiệu quả giúp anh chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời anh cho tới ngày hôm nay.
Tới đây bạn sẽ bắt đầu tự hỏi là trong bằng đó năm đi học em đều áp dụng những phương pháp này và em thấy chúng cũng hiệu quả đó chứ. Anh có nhầm lẫn gì không.
Ngày đầu tiên khi biết những chuyện này anh cũng cảm thấy y chang như vậy nhưng hãy tin là những phương pháp anh sắp chia sẻ sau đây thực sự đã thay đổi việc học của anh. Nó đã thay đổi cách nhìn nhận của anh về việc học và cho phép anh thoát khỏi tâm lý ám ảnh mỗi trước mỗi kỳ thi. Đồng thời vẫn đạt được những kết quả tốt.
Ví dụ đơn giản thế này. Nếu từ đó tới giờ bạn nấu ăn bằng bếp củi và đúng là nó cũng giúp bạn nấu được những món ăn ngon thì khi bạn chuyển sang dùng bếp điện mới đầu bạn sẽ thấy không quen nhưng một khi bạn đã quen với chiếc bếp mới này rồi bạn sẽ không bao giờ quay lại dùng bếp củi nữa.
Bởi vậy chúng ta hãy bước vào phần 2. Những phương pháp học hiệu quả nhất
Anh nghĩ là bạn đã từng trải qua cảm giác này. Đó là khi bạn học được bài này thì bạn lại quên bài khác. Và tới ngày thi khi có hàng chục bài cần học thì bạn không chắc là mình thuộc bài nào và quên bài nào. Mọi thứ trở thành một đống hỗn độn và bạn thì kiệt sức. Vậy tại sao điều này lại xảy ra và nếu mà bạn trả lời được câu này thì bạn sẽ hiểu vì sao những phương pháp anh kể trên lại kém hiệu quả.
Khoa học đã chứng minh não bộ chúng ta rất là thông minh và nó chỉ nhớ những cái thông tin thực sự hữu ích tức là những thông tin mà chúng ta thực sự sử dụng mà thôi. Bởi vậy cái việc đọc đi đọc lại tài liệu thì dù các bạn có làm bao nhiêu lần đi nữa cũng chỉ là học vẹt. Não bạn sẽ tự ý thức được bạn đang cố gắng nhồi nhét một đống kiến thức mà không để làm gì. Và kết quả là khi bạn học thêm một kiến thức mới thì khả năng cao là bạn sẽ quên ngay những kiến thức trước đó .
Bởi vậy sau rất nhiều nghiên cứu thì người ta khẳng định rằng việc ghi nhớ chủ động nói đơn giản là học thông qua những bài kiểm tra thực tế bất cứ ở hình thức nào tự luận hay trắc nghiệm chính là cách tốt nhất để các bạn nhớ được những thông tin đã học. Khi trả lời những câu hỏi bạn đang ra lệnh cho bộ não của mình phải sử dụng những thông tin đã học để giải quyết những vấn đề thực tế. Đây là cách bạn thông báo cho não bộ biết những nội dung quan trọng cần phải nhớ để nó tập trung nhớ những nội dung này.
Bạn có thấy là những trung tâm luyện thi bất kể lĩnh vực nào đều sẽ phát cho bạn một bộ tài liệu gồm những câu hỏi từ những đề thi trước đó và giúp bạn liên tục làm những đề thi này không. Trước đây anh rất là ghét cách học này nhưng sau khi hiểu ra thì đây lại là một trong những hình thức học hiệu quả nhất.
Như vậy thay vì đọc đi đọc lại bài, bạn có thể hỏi đáp với các bạn khác, tự giải bài tập trắc nghiệm, tự viết cho mình những câu hỏi về nội dung đã học và trả lời chúng hoặc tạo những thẻ flashcard để học thông qua phần mềm anki. Đây là một phần mềm rất hay mà anh biết được khi sang Mỹ học cùng các bạn sinh viên y bên đó. Các bạn sinh viên y bên Mỹ rất thích phần mềm này và sau đó anh phát hiện cũng có rất nhiều người thích dùng anki để học tiếng anh và nhiều lĩnh vực khác. Anh sẽ nói chi tiết về phần mềm này trong một video khác.
Tóm lại active recall tức là ghi nhớ chủ động hay học tập thông qua những bài kiểm tra chính là phương pháp học tập hiệu quả nhất đã được khoa học chứng minh và bản thân anh cũng áp dụng phương pháp này trong suốt những năm qua.
Kỹ thuật thứ 2 đó là ôn bài ngắt quãng hay spaced Repetition
Chắc chắn khi bạn học xong bạn sẽ quên dần những nội dung mình học cho dù đó là học tập chủ động. Bởi vậy bạn cần ôn lại những thông tin này. Nhưng ôn lại sau bao lâu là phù hợp. Chúng ta sẽ dùng đường cong quên lãng để trả lời cho câu hỏi này
Theo mô hình này mỗi lần chúng ta ôn bài thì chúng ta sẽ khiến cho cái thời gian chúng ta quên lần tới lâu hơn. Ví dụ nay anh học giải phẫu, nếu không ôn lại thì 2 ngày nữa anh sẽ quên toàn bộ nội dung đã học. Nếu ngày mai anh ôn lại thì sau 1 tuần nữa anh mới quên.
Nguyên tắc của phương pháp này là bạn cho phép não bộ của mình quên đi một phần thông tin nên khi bạn ôn lại thì không chỉ đơn thuần là ôn bài mà cần có sự cố gắng của não bộ để nhớ lại. Chính vì vậy bạn sẽ nhớ thông tin này lâu hơn và từ đó thời gian cần cho lần ôn tiếp theo cũng lâu hơn hay nói cách khác là bạn đã học hiệu quả hơn và có thêm thời gian để học cái khác thay vì ngày nào cũng phải ôn lại bài đã học. Trong video lên kế hoạch học tập anh đã nói về phương pháp dùng bảng tính google để ôn tập hiệu quả hơn.
Cuối cùng, anh sẽ nói về những cách để ôn tập
Đầu tiên anh thường ôn từ những bài khó bài mời trước và để những bài đơn giản hơn học cuối cùng. Lý do là khi chúng ta mới bắt đầu học chúng ta còn sung sức, nếu các bạn hoàn thành được những nhiệm vụ khó trong khoảng thời gian này thì sẽ tốt hơn là để tới khi kiệt sức rồi mới học những chương khó.
Cách anh hay làm là ôn lại từ những chương cuối cùng của cuốn sách ngược về trước hoặc ôn những slide cuối cùng của môn học ngược về trước, đây là một trình tự ngược với trình tự chúng ta đã học. Là một thử thách nhỏ cho não bộ hoạt động tích cực hơn.
Anh thấy cách này có hiệu quả với anh bởi vì đa phần chúng ta đều nắm rõ các nội dung đầu tiên, lúc đó chúng ta còn sung sức và càng về sau thì càng quên nhiều. Thành ra anh thích ôn ngược như vậy. Điều này có hai lợi ích, một là học những gì bạn thực sự chưa vững hai là nếu học lại những thứ khó khăn trước để não bạn ghi nhớ những nội dung này tốt hơn.
Có một vài bạn thích lên sẵn kế hoạch học là ngày đó mình sẽ học gì a-b-c nhưng bản thân anh lại không thích vì chúng ta khó lòng ước lượng được độ khó của mỗi nội dung để mà lên kế hoạch trước và khi học cũng có nhiều sự kiện ngẫu nhiên xảy ra như đi đám cưới người thân bạn bè để mà vẽ rõ được một cái bảng kế hoạch từ đầu. Điều này đôi khi khiến bạn ôn một chủ đề dễ mà bạn nắm rõ rồi quá nhiều lần và chả còn thời gian để ôn những thứ chưa rõ.
Với phương pháp này thì anh không bó buộc trước mình sẽ học gì mà chỉ ghi lại mình đã học được tới đâu vào trong bảng tính của google mà anh đã chuẩn bị từ trước để mà tương lai mình tiếp tục học tiếp ở đó. Và lịch trong tương lai của anh hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ anh tiếp nhận thông tin ở thời điểm hiện tại.
Tóm lại, học tập qua việc đọc lại bài highlight hay ghi chép có hiệu quả kém hơn so với việc học tập qua những bài kiểm tra. Cho dù là học ở hình thức nào thì sau khi học chúng ta cũng sẽ quên một phần kiến thức vì vậy chúng ta cần ôn lại để củng cố trí nhớ. Điều thần kỳ là sau mỗi lần ôn tập chúng ta sẽ nhớ được lâu hơn và có thêm thời gian để học thứ khác. Bởi vậy để tối ưu hóa được việc học và ôn tập, các bạn có thể dùng google sheet để viết lại nhật ký học tập của mình từ đó có thể chủ động hơn trong việc học và ôn thi.
Cuối cùng anh cảm ơn các bạn vì đã dành thời gian cho video này. Đây là một video dài vì anh muốn các bạn hiểu rõ và có thể ứng dụng những kiến thức này trong thực tế. Anh hi vọng là video này có thể giúp các bạn học tập hiệu quả hơn và từng bước chinh phục ước mơ của mình.